LÀM THẾ NÀO ĐỂ XÂY DỰNG NHÀ XƯỞNG NHANH NHẤT?

1. Xin phép xây dựng nhà xưởng

Chủ đầu tư cần hiểu rõ các quy định pháp lý trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng. Đây là công việc tốn khá nhiều thời gian, nếu không tiến hành sớm, khả năng dự án phải chờ giấy phép để khởi công là rất cao. Đã có nhiều nhà đầu tư đã phải xin phép xây dựng tạm các hạng mục phụ như hàng rào, ép cọc để dược khởi công xây dựng công trình trong thời gian chờ giấy phép chính thức.

Nếu chủ đầu tư cảm thấy không hiểu rõ và không tự tin trong việc xin phép xây dựng nhà xưởng, chủ đầu tư nên thuê tư vấn chuyên về vấn đề này, ký hợp đồng chính thức, quy định các chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm.

 Vậy làm sao để chọn lựa đơn vị vấn chuyên xin phép xây dựng nhà xưởng? Có nhiều cách, nhưng có lẽ cách hiệu quả nhất là yêu cầu tư vấn cho xem các giấy phép xây dựng nhà xưởng mà họ đã làm trước đây.

Để xin phép xây dựng, cần chuẩn bị các hồ sơ tài liệu sau:

  • Bộ bản vẽ thiết kế xây dựng nhà xưởng
  • Thuyết minh thiết kế
  • Dự toán
  • Báo cáo thẩm tra thiết kế
  • Báo cáo khảo sát địa chất, địa hình
  • Giấy phép Phòng cháy chữa cháy (PCCC)
  • Giấy phép môi trường
  • Các hồ sơ tài liệu pháp lý của chủ đầu tư (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư)
  • Các hồ sơ tài liệu pháp lý về đất đai (chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất)
  • Các hồ sơ tài liệu pháp lý của đơn vị tư vấn (đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động)
  • Các hồ sơ tài liệu pháp lý của đơn vị khảo sát (đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động)

*** Giấy phép môi trường và giấy phép PCCC là thành phần của hồ sơ xin phép xây dựng nhà xưởng. 2 công tác này mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là giấy phép môi trường. Do đó, chủ đầu tư nên tiến hành làm giấy phép môi trường càng sớm càng tốt để phục vụ cho việc xin phép xây dựng nhà xưởng sau này.

        2. Thiết kế nhà xưởng

Thiết kế nhà xưởng là công việc tốn khá ít chi phí so với tổng mức đầu tư dự án (thông thường chi phí thiết kế nhà xưởng chiếm chưa đến 1% tổng chi phí dự án), thậm chí các công ty thi công xây dựng nhà xưởng còn miễn phí thiết kế. Có lẽ vì RẺ, vì MIỄN PHÍ mà việc thiết kế nhà xưởng đôi khi không được xem trọng đúng mực.

Các chủ đầu tư luôn muốn tối đa hóa diện tích xây dựng nhà xưởng. Trong khi đó, mật độ xây dựng nhà xưởng được quy định theo quy chuẩn 01-2008; các quy hoạch chi tiết 1/2000; 1/500; Các quy định của khu công nghiệp. Vì vậy, nếu kiến trúc sư thiết kế không am hiểu các quy định về mật độ, khoảng lùi, số tầng, chiều cao, hệ số sử dụng đất, mật độ cây xanh, dung tích bể nước PCCC, đấu nối hạ tầng… thì nguy cơ cao bị cơ quan cấp phép yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ thiết kế nhà xưởng cho phù hợp với quy định. Và đây cũng là yếu tố làm kéo dài tiến độ dự án rất thường xảy ra.

 

Vì vậy, khi chọn tư vấn thiết kế nhà xưởng, tư vấn xin phép xây dựng nhà xưởng, chủ đầu tư nên quan tâm các tiêu chí:

  • Có kinh nghiệm thiết kế nhà xưởng
  • Có kinh nghiệm xin phép xây dựng nhà xưởng
  • Có chứng chỉ năng lực hoạt động
  • Am hiểu các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành.

***Tốt nhất, chủ đầu tư nên chọn 1 công ty làm được cả 2 việc: Thiết kế nhà xưởng và xin phép xây dựng nhà xưởng.

         3. Thi công

Thi công xây dựng nhà xưởng thường nhanh hơn các công trình khác là bởi vì:

  • Có thể triển khai đồng loạt các hạng mục trên diện rộng
  • Có thể cơ giới hóa, thay thế các công tác thủ công
  • Mặt bằng rộng rãi, có thể huy động nhiều nguồn lực tham gia cùng lúc
  • Áp dụng công nghệ nhà thép tiền chế
  • Việc thi công xây dựng nhà xưởng có thể chia thành 3 phần: Phần xây dựng – Nhà thép tiền chế - Các công tác khác. Cần có sự phối hợp chặt chẽ 3 phần này với nhau.

   Thông thường, phần xây dựng và nhà thép tiền chế nên khởi động cùng lúc, đến khi xây dựng xong phần móng thì việc gia công nhà thép tiền chế cũng đã xong, sẵn sàng cho việc lắp dựng. Tránh trường hợp thi công xong phần móng mà chưa gia công xong kết cấu thép để lắp dựng.

Trong phần ‘các công tác khác’, chủ đầu tư cần lưu ý việc hạ trạm biến áp. Để hoàn tất thủ tục xin hạ trạm, thông thường mất 45-60 ngày. Nếu chủ đầu tư “quên” việc này, sau khi công trình hoàn tất, việc phải chờ thêm cả tháng để đấu nối điện rất có thể sẽ xảy ra.

*** Chủ đầu tư nên chọn nhà thầu thi công xây dựng nhà xưởng chuyên nghiệp, lập bảng tiến độ tổng của dự án bằng MS-Project để dễ theo dõi, kiểm soát và có những điều chỉnh phù hợp.

         4. Giám sát

Làm dự án là sống chung với sự thay đổi. Khi có thay đổi, cần có sự thống nhất giữa các bên Chủ đầu tư – Đơn vị thi công – Tư vấn thiết kế. Vì vậy, chủ đầu tư cần cử giám sát thay mặt mình tại công trường để:

  • Giải quyết các công việc phát sinh, thay đổi, điều chỉnh.
  • Ký nghiêm thu để tiến hành các công tác tiếp theo.
  • Phê duyệt mẫu vật liệu đưa vào sử dụng.
  • Kiểm tra, xác nhận khối lượng thi công đã hoàn thành.
  • Ghi nhận, báo cáo việc thực hiện dự án một cách kịp thời.

Nhiều công trình phải kéo dài thời gian thi công do giám sát không dám hoặc không có quyền quyết định phê duyệt những đề xuất, thay đổi, phát sinh từ phía nhà thầu. Tất cả đều phải chờ người có thẩm quyền, trong khi người có thẩm quyền thì lại không có mặt ở công trường. Hệ lụy cho việc không có giám sát có đủ thẩm quyền ở công trường càng nghiêm trọng hơn khi dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tin tức liên quan